KHAI MẠC LỚP TRUYỀN DẠY KỸ THUẬT ĐAN LÁT TRUYỀN THỐNG CỦA DÂN TỘC CƠ HO Ở XÃ LA DẠ
Sáng ngày 15/4/2024, Bảo tàng tỉnh Bình Thuận phối hợp với UBND xã La Dạ tổ chức khai mạc Lớp truyền dạy kỹ thuật đan lát truyền thống của dân tộc Cơ ho tại Nhà Văn hóa xã La Dạ, lớp học diễn ra trong thời gian từ ngày 15/4 - 25/2024. Tham dự buổi lễ có ông Đoàn Văn Thuận - Giám đốc Bảo tàng tỉnh, bà Lê Thị Kim Liên - Phó Chủ tịch UBND xã La Dạ, 02 nghệ nhân truyền dạy và 20 học viên người Cơ ho ở địa phương.
Tại buổi lễ khai mạc, ông Đoàn Văn Thuận - Giám đốc Bảo tàng tỉnh phát biểu trao đổi với các nghệ nhân và học viên về mục đích, ý nghĩa của Dự án “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hoá truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch” thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Dự án ra đời như một giải pháp tích cực giúp cho công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hoá truyền thống tốt đẹp của đồng bào các dân tộc thiểu số trong tỉnh đảm bảo tính thiết thực và hiệu quả.
Lớp học được tổ chức không chỉ giúp các học viên nâng cao nhận thức, trách nhiệm về công tác bảo tồn giá trị di sản văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc nói chung, đồng bào dân tộc Cơ ho nói riêng, mà còn có thêm hiểu biết về nghề thủ công truyền thống của ông cha để lại. Đồng thời, khơi dậy ý thức tự hào và đam mê của thế hệ trẻ đối với nghề đan lát truyền thống, góp phần bảo tồn, gìn giữ và phát huy tinh hoa văn hóa của dân tộc.
Về phía UBND xã La Dạ, bà Lê Thị Kim Liên - Phó Chủ tịch cũng mong muốn các nghệ nhân phải tận tâm, nhiệt tình, hết mình trong việc hướng dẫn, truyền dạy cho học viên nắm bắt các kỹ năng khai thác chọn vật liệu, quá trình hoàn thiện sản phẩm, đến kỹ thuật làm nan... Đồng thời nhắc nhở học viên tham gia Lớp truyền dạy, cần chấp hành tốt nội quy, giờ giấc học tập, nỗ lực hết sức, cố gắng tiếp thu, học hỏi và nắm bắt được các ký năng, kỹ thuật đan lát do các nghệ nhân truyền dạy. Bởi đan lát là một nghề thủ công truyền thống đóng vai trò quan trọng, gắn liền với tập quán sản xuất lâu đời của người Cơ ho xã La Dạ. Sản phẩm nghề đan ở đây khá phong phú và đa dạng, được tạo ra bằng nhiều loại vật liệu khác nhau, dễ sử dụng và thân thiện với môi trường như mây, tre, nứa, cỏ, lá…; các loại vật liệu này đều có thể tìm thấy và khai thác được trong các khu rừng cạnh nơi cư trú. Từ đôi bàn tay điêu luyện của mình, những nghệ nhân đan lát sẽ làm ra các loại công cụ, đồ đựng như: Nia, rổ, nơm, gùi, sờ ví… một cách tỉ mỉ, tinh xảo và tiện lợi để phục vụ cuộc sống, lao động sản xuất và sinh hoạt hàng ngày.
Thế nhưng, cùng với sự phát triển đi lên của xã hội, quá trình công nghiệp hoá - hiện đại hoá và tác động của nền kinh tế thị trường, các vật dụng truyền thống được làm từ mây tre ngày càng hiếm hoi, đặc biệt là những người biết nghề đan lát làm ra các vật dụng truyền thống trong cộng đồng ngày càng ít đi. Những nghệ nhân lớn tuổi ít quan tâm đến việc truyền nghề cho thế hệ con cháu. Thực trạng đó đã làm cho nghề đan lát của đồng bào Cờho ngày càng mai một và đứng trước nguy cơ mất đi trong thời gian không xa. Đại diện lãnh đạo địa phương mong rằng sau lớp truyền dạy này, các nghệ nhân và học viên sẽ duy trì thường xuyên việc trao truyền nghề đan lát truyền thống của đồng bào, làm sao để những sản phẩm đan lát thủ công được sử dụng rộng rãi và lan tỏa rộng khắp trong cộng đồng. Có như vậy thì nghề đan lát truyền thống của ông bà mới không bị lãng quên, tồn tại và phát triển trong thời gian tới./.